Ở miền Bắc Thái Lan, có ngôi làng hết sức kỳ lạ. Đó là làng dân tộc cổ dài Karen (Long-Neck Village). Sự thu hút đặc biệt của ngôi làng không nằm ở kiến trúc hay nghề truyền thống. Mà đến từ những người phụ nữ với chiếc cổ dài đeo vòng. Có những chiếc cổ đeo đến tận 40 chiếc vòng và nặng đến tận 7kg.
Tập tục kỳ lạ này đã truyền cảm hứng cho việc thành lập các làng du lịch. Đến hiện tại, làng dân tộc cổ dài Karen là một điểm du lịch rất nổi tiếng và cũng là “điểm du lịch gây nhiều tranh cãi”… của Thái Lan.
Người Karen nguyên thủy không phải là gốc bản địa Thái Lan. Tổ tiên của họ là một bộ phận dân tộc thiểu số Kayans (hay Padaung) của Myanmar. Để tránh những cuộc xung đột giữa quân ly khai Karenni và quân đội Miến Điện, họ đã di cư xuống phía Bắc Thái Lan, và tị nạn ở khu vực này từ thế kỷ thứ 17.
Đối với phụ nữ Kayans, vùng cổ là “cấm địa” được giấu kín dưới những chiếc vòng. Tục lệ gắn với quan niệm cho rằng vòng trên cổ càng nhiều thì càng danh giá. Cổ càng dài thì càng xinh đẹp và hấp dẫn. Những cuộn đồng cũng sẽ tránh được thú dữ và không thể trốn khỏi làng (phụ nữ Karen không được lấy người khác làng).
Các bé gái sinh ra được xem là phúc trời ban. Các gia đình khi đến chúc mừng đều mang đồng hoặc vàng đến làm quà. Cha mẹ các em sẽ đúc sẵn những chiếc vòng đeo cổ bằng đồng.
Khi bé gái được 5 tuổi, lễ đeo vòng đầu tiên sẽ được tiến hành. Chiếc vòng đầu tiên nặng từ 0,5kg, rồi 1kg, 1,5 kg, 2kg… Số vòng đeo trên cổ của những người phụ nữ ở đây phụ thuộc vào số tuổi của họ, cứ 4 năm họ sẽ đeo thêm một vòng.
Những gia đình có điều kiện, vòng còn được đeo ở cổ chân và đầu gối.
Chiếc cổ sẽ dần dài ra do sức nặng của vòng khiến vai và xương đòn sụn xuống. Phần hở ra này nhanh chóng lại được thêm vào bằng một chiếc vòng mới. Cứ thế mà kéo dài cho đến khi kết thúc cuộc đời. Những người phụ nữ càng lớn tuổi thì chiếc cổ càng dài. Có những chiếc cổ đeo vòng lên tới 7kg và số vòng lên đến tận 40 chiếc. Không ai được phép nhìn thấy chiếc cổ phía trong những vòng cuộn nặng nề kia.
Ngôi làng vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, có lối sống giản dị. Họ cũng dệt và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Đồ thổ cẩm Karen từ lâu đã trở thành bản sắc của các dân tộc ít người sống ở vùng cao phía Bắc. Trang phục của họ vô cùng bắt mắt, là ví dụ điển hình cho nghệ thuật dệt vải điêu luyện truyền từ đời này sang đời khác. Phần thiết kế mang biểu tượng văn hóa riêng của họ chính là thứ thu hút sự quan tâm của mọi người.
Những người cổ dài ở đây được sống trong một khu riêng biệt, mỗi nhà sẽ tự làm các đồ lưu niệm để phục vụ khách du lịch. Sản phẩm chủ yếu là vải dệt thoi, thổ cẩm, tơ tằm, phụ kiện bạc đá quý… Ngoài ra, còn có những con búp bê gỗ dạng Karen cổ dài, đeo túi vải, trang phục bộ lạc vùng cao.
Nguồn tham khảo tổng hợp & TAT.