Theo tài liệu về Bảo tồn rùa biển (*), rùa biển có lẽ xuất hiện vào cuối kỷ Triassic cách đây khoảng 200 triệu năm. Khi loài Khủng long bị tuyệt chủng khoảng 100 triệu năm thì rùa vẫn sống sót. Đó là nhờ khả năng thích ứng của chúng với môi trường đại dương và tồn tại đến ngày nay. Và dường như không có sự thay đổi nào cả.
Rùa biển đang bị đe dọa trên toàn thế giới. Số lượng của chúng đã giảm sút nghiêm trọng ở nhiều nơi, trong đó có cả Việt Nam. Chúng ta chưa biết nguyên nhân chính xác tại sao Khủng long bị tuyệt chủng. Vì chúng ta chưa có mặt ở thời kỳ đó. Nhưng chúng ta sẽ không thể dùng lý do đó để giải thích cho sự tuyệt chủng của rùa biển.
Cho dù bức tranh thật ảm đạm như vậy! Nhưng rùa biển đã trở thành biểu tượng của những nỗ lực bảo tồn biển và thông qua các loài động vật di cư trên diện rộng trong đó có rùa biển. Và các hoạt động hợp tác quốc tế cũng được mở rộng.
(*) Theo:
Chu Thế Cường – Viện tài nguyên và môi trường biển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Bùi Thị Thu Hiền – Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)
Rùa biển và rùa nước ngọt, rùa cạn đều nằm trong Bộ Rùa Testudines. Bộ này có khoảng 300 loài thuộc 97 họ. Chúng đều là những loài biến nhiệt. Nghĩa là nhiệt độ của cơ thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường xung quanh.
Tất cả các loài rùa đều đẻ trứng và thở bằng phổi, xương sống gắn liền với mai.
Tuy nhiên, rùa biển có nhiều đặc điểm khác biệt so với rùa cạn và rùa nước ngọt. Do rùa biển là loài sống hoàn toàn trong môi trường nước biển. Trừ rùa cái khi sinh sản phải lên các bãi cát để đẻ trứng. Nên chân của chúng đã biến đổi thành chân mái chèo, móng vuốt tiêu giảm.
Bên cạnh đó, chân và đầu của chúng không thể thụt vào trong mai khi bị tấn công như những loài rùa trên cạn và rùa nước ngọt được.
Khi rùa biển đạt đến độ tuổi sinh sản rùa biển sẽ di cư về khu vực nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng.
Khoảng cách từ nơi chúng sinh sống đến các bãi đẻ có thể lên đến hàng nghìn cây số. Quá trình di cư kéo dài hàng tháng. Do rùa biển vừa di cư vừa kiếm ăn vào ban ngày. Còn ban đêm sẽ vào các rạn san hô và rạn đá để nghỉ ngơi. Sau khi giao phối, con đực sẽ lập tức trở về khu vực kiếm ăn. Còn con cái sẽ di chuyển xung quanh khu vực đẻ trứng trong khoảng 2 tháng để đẻ trứng. Sau đó mới quay về nơi chúng sinh sống. Loài Vích có thể duy trì tốc độ bơi 44km/ngày và chiều dài lên đến 3,410 km từ Gielop (Micronesia) đến Majuro (Đảo Marshall).
Rùa cái trưởng thành như loài Vích và Đồi mồi thường làm tổ tại những bãi biển cách xa khu vực chúng kiếm ăn. Trong khi đó một số loài khác như Rùa lưng phẳng lại chỉ lên đẻ trứng tại các bãi biển xung quanh khu vực chúng sinh sống.
Qua kết quả của các dự án gắn thẻ theo dõi rùa biển tại vùng Ca-ri-bê thì không có một con rùa đã được gắn thẻ tại Tortuquero. Costa Rica lại được tìm thấy lên đẻ trứng ở nơi kháctrong suốt 22 năm theo dõi. Điều này cho thấy rằng những con rùa đó chỉ làm tổ ở một nơi trong suốt cuộc đời.
Tại Việt Nam, qua theo dõi bằng vệ tinh do Vườn Quốc Gia Côn Đảo thực hiện, người ta đã xác định được rùa biển tại đây sau khi đẻ trứng đã di cư đến các vùng biển như Phú Quý, Phú Quốc, Trường Sa (Việt Nam) và đảo Palawan (Philippin), đảo Pahang (Malaysia), đảo Nautuna (Indonesia). Ngược lại, đảo Bạch Long Vỹ và Côn Đảo cũng là điểm đến của rùa biển sinh sản tại Hồng Kong (Trung Quốc) và đảo Ko Kham Ya (Thái Lan)
Rùa mẹ đẻ bao nhiêu ổ trứng trong một mùa sinh sản?
Thông thường, rùa mẹ đẻ từ 2 đến 5 ổ trứng trong một mùa. Tùy thuộc vào sự thành thục sinh sản và lượng dinh dưỡng mà chúng tích lũy được. Rùa mẹ đã từng đẻ trứng nhiều lần. Và sinh sống tại khu vực có nguồn thức ăn dồi dào thì sẽ đẻ nhiều trứng hơn so với con mới trưởng thành. Hoặc sinh sống tại nơi có ít thức ăn hơn.
Thời gian giữa hai lần đẻ trứng là bao lâu?
Rùa mẹ phải chờ khoảng 2 tuần giữa hai lần đẻ trứng để cho trứng phát triển đầy đủ. Trong thời gian này, rùa biển nghỉ ngơi trong các rạn đá, rạn san hô gần nơi đẻ trứng. Và hoàn toàn không ăn hoặc tìm kiếm thức ăn. Trong giai đoạn này vỏ trứng sẽ được hình thành bao bọc xung quanh noãn hoàng và phôi.
Rùa mẹ phải mất từ 2 đến 5 năm để tích lũy đủ dinh dưỡng và năng lượng cho mùa sinh sản tiếp theo. Thời gian giữa hai mùa sinh sản cũng phụ thuộc vào độ tuổi, độ thành thục sinh sản. Ngoài ra còn phụ thuộc vào chất lượng thức ăn tại nơi chúng sinh sống.
Rùa mẹ đẻ bao nhiêu quả trứng trong một mùa?
Mỗi tổ trứng thường có từ 50 đến 150 quả trứng. Một mùa sinh sản rùa mẹ có thể đẻ từ 2 đến 5 ổ trứng. Rùa Mai phẳng có số lượng trứng ít nhất (50-70 quả/ổ trứng). Đồi mồi có số lượng nhiều nhất khoảng 200 quả/ổ trứng.
Bao nhiêu trứng sống sót và nở thành rùa trưởng thành?
Số lượng trứng có thể được ấp nở thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố môi trường nơi rùa biển đẻ trứng là quan trọng nhất. Khu vực không bị ô nhiễm, không có hoặc ít địch hại và có nhiệt độ bãi cát, độ ẩm phù hợp sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn. Trong tự nhiên, rùa mẹ sẽ tự tìm kiếm và đào ổ để đẻ trứng ở nơi có điều kiện thích hợp nhất. Tỷ lệ nở thành công của ổ trứng còn tùy thuộc vào loài. Trong đó Rùa da có tỷ lệ thấp nhất là dưới 50%. Còn các loài khác thông thường dao động trong khoảng 70-85%.
Mất bao lâu để trứng nở thành con non?
Thời gian ấp trứng phụ thuộc vào nhiệt độ của bãi cát. Nhiệt độ càng cao thì thời gian ấp càng ngắn và ngược lại. Trứng rùa biển chỉ có thể nở trong giới hạn nhiệt độ từ 26 đến 32o C. Với nhiệt độ ấp trung bình là 26o C, trứng rùa biển sẽ nở trong khoảng 80-82 ngày. Còn nhiệt độ 32o C trứng chỉ mất 45-48 ngày để nở. Với nhiệt độ bãi cát là 30o C, thì trứng rùa biển mất khoảng 56 ngày để nở.
Con non rùa biển có hình dạng và kích thước như thế nào?
Rùa con sau khi mới nở có kích thước tương đối nhỏ và khác nhau tùy loài. Con non loài rùa da lớn nhất có chiều dài mai khoảng 6-7cm và nặng 45-50gram. Tiếp theo là loài Vích có chiều dài mai từ 4-5cm và nặng khoảng 30gram. Các loài còn lại có kích thước tương đương nhau. Chiều dài mai dài dưới 4cm và nặng khoảng 20 gram.
Con non rùa biển định hướng ra biển như thế nào? Tại sao người ta vẫn thấy con non di chuyển vào phía sâu trong đất liền?
Rùa con định hướng ra biển dựa vào ánh sáng của đường chân trời. Ban đêm, phía biển bao giờ cũng sáng hơn phía đất liền. Do đó, nếu có ánh sáng mạnh ở phía đất liền do con người tạo ra, rùa biển con sẽ bị nhầm lẫn và di chuyển ngược vào vùng có ánh sáng đó. Những con di chuyển sâu vào trong đất liền sẽ bị chết do mất nước và mất sức.
Tại sao rùa con lại nở cùng một thời điểm và di chuyển thành nhóm lớn?
Kích thước của con non rất nhỏ và ổ trứng lại tương đối sâu (từ 50-70cm). Nên nếu chỉ một con đơn độc sẽ không thể trèo lên trên bề mặt bãi cát được. Do đó, sau khi thoát khỏi lớp vỏ trứng chúng sẽ nằm yên và chờ đợi những con non khác.
Khi tất cả trứng đã nở thì chúng đồng loạt ngoi lên bằng cách trèo lên các vỏ trứng. Đào cát trên đầu và xung quanh cơ thể. Bằng cách sử dụng vỏ trứng và cát như là các “bậc thang” giúp cho rùa con trèo lên khỏi ổ một cách dễ dàng. Việc ngoi lên một cách đồng loạt cũng giúp tăng cơ hội sống sót của con non trước những kẻ săn mồi đang đợi sẵn trên bãi cát và dưới biển.
Sau khi ra đến đại dương con non sẽ làm gì?
Sau khi ra đến đại dương, con non sẽ bơi liên tục trong vòng 2 đến 5 ngày. Và không ăn cho đến khi gặp được dòng chảy lớn. Sau đó, con non sẽ dựa vào dòng chảy này để di chuyển. Chúng ăn thức ăn nổi như động vật phù du và “mất tích” từ 5-15 năm.
Thời gian này hiện vẫn còn là bí ẩn đối với khoa học. Hầu như chưa có nghiên cứu nào hoặc thiết bị nào có thể theo dõi quá trình phát triển của rùa biển con ở giai đoạn này.
Sau 5-15 năm, rùa biển sẽ di chuyển vào khu vực nước nông ven bờ và bắt đầu ăn thức ăn dưới đáy giống như con trưởng thành.
Tuy là loài sống hoàn toàn dưới nước (trừ con cái phải lên bờ để đẻ trứng trong thời gian ngắn) nhưng các loài rùa biển đều thở bằng phổi và phải ngoi lên mặt nước để thở. Chúng có hệ thống hô hấp phát triển. Phổi có khả năng chứa được lượng lớn ô xy. Điều này giúp cho rùa biển có khả năng nín thở trong nhiều giờ. (Phụ thuộc vào mức độ hoạt động của chúng).
Trong thời gian nghỉ ngơi, Rùa biển có thể nằm dưới nước 4-7 giờ mà không cần ngoi lên để thở.
Tuy nhiên, khi bị mắc câu hay mắc lưới, rùa biển sẽ vùng vẫy rất mạnh và sẽ nhanh chóng tiêu hao hết lượng oxy tích lũy trong cơ thể, làm cho chúng có thể bị chết đuối chỉ trong 40-60 phút.
Nhìn chung, các loài rùa biển đều có thể sinh sống tại hầu khắp các vùng nước nông gần bờ và nước sâu xa bờ (như loài Rùa da). Miễn là khu vực đó có điều kiện môi trường trong sạch. Ít bị ô nhiễm và ít có sự tác động của con người.
Các rạn san hô, thảm cỏ biển, rạn đá, vùng biển sâu xa bờ hay các bãi cát… đều là nơi sinh sống của rùa biển. Tuy nhiên, do mỗi loài có loại thức ăn riêng nên mỗi loài rùa biển có các sinh cảnh ưa thích riêng.
Trước đây (trước năm 1975), các loài Rùa biển phân bố tại hầu hết các vùng biển Việt Nam. Từ Bắc chí Nam. Tuy nhiên hiện nay do nhiều nguyên nhân, chúng chỉ còn được tìm thấy tại một số khu vực như Quảng Ninh, Quảng Trị, các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, Ninh Thuận. Và Côn Đảo, Phú Quốc với số lượng rất ít.